Đức Nhân Xử Thế Trường
Bạn phải có khả năng ăn nói lưu loát để phát biểu trước hội đồng thẩm định, phải bảo vệ những điều mình viết, nếu bạn không có kiến thức thực tế, không được tôi rèn, không tìm hiểu kỹ, bạn sẽ bị cả chủ đầu tư và hội đồng thẩm định quay, chửi và vô số điều khác nữa… thì sẽ có rất ít cái nhục sánh được với cái nhục của bạn lúc đó, lúc đó chỉ ước rằng có ai đó giống kiểu siêu nhân đứng ra che chắn cho mình.
* Phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, éo le nhất như:
Khảo sát những nơi hôi thối bẩn thỉu nhất – các nơi xả thải, với trời mưa thì lầy lội, nắng thì cháy nắng, nếu đi ô tô thì đỡ (gặp được ông sếp thoáng tính) còn lại nếu đi xe máy có khi xa cả trăm km chịu nắng, chịu bụi, mồ hôi ướt tấm thân gầy (:D)….
Cứ chỗ nào bẩn thỉu nhất, hôi hám nhất thì phải lao xuống mà lấy mẫu, nhìn thấy nước đen ngòm đầu ra hệ thống xử lý nước thải là lại phải tặc lưỡi: thôi thì biết nó có lỗi với môi trường, nhưng âu nó là cái nghề là cái kiếm cơm….
* Phải là chuyên gia am hiểu mọi thứ
Từ cái việc làm đường phải làm như thế nào, phát sinh những cái chất thải nào, ảnh hưởng thế nào đến người dân, đến việc nhà máy bia A nấu bia bằng đại mạch, bằng gạo, phát sinh những cái chất thải x, chất thải y, khí thải z.
Biết được nhà máy C ở trong khu công nghiệp D thì gần những con sông nào, hướng gió là theo chiều nào.
Hay ngay cả việc học làm tư vấn, tìm hiểu các giấy tờ, thông tư, nghị định đã nát cmn đầu, lại vẫn còn phải hiểu về các quy trình xử lý nước thải sinh hoạt vượt chỉ tiêu nito thì phải làm như thế nào, xử lý cái nước thải có chỉ tiêu BOD cao thì làm ra làm sao… rồi với cái khí thải axit này thì phải dùng vật liệu bằng nhựa PP mới không bị ăn mòn.
Nhân viên tư vấn môi trường còn phải biết trong hệ thống xử lý hóa lý keo tụ kiểu gì cũng phải sinh bùn. Vậy phải làm thế nào để giảm khối lượng, giảm thể tích cho bùn thải để tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư
Đâu chỉ có thế là hết, bạn còn phải thành thạo các công cụ mà chỉ có các con giời kỹ sư thi công và thiết kế mới cần biết như phần mềm vẽ Autocad, phải đọc những bản vẽ kỹ thuật loằng ngoằng toàn đường thẳng, đường tròn, toàn ô vuông, toàn giun, dế….
Có ông sếp nào cho bạn nghỉ buổi sáng nếu như đêm hôm trước bạn thức đến 2 hoặc 3h sáng để hoàn thiện nốt báo cáo, vì rằng tiến độ gấp quá, vì rằng bạn cần phải làm việc vào ban đêm mới tập trung được… ai hiểu và ai thông cảm đây.
* Có thể nói nhân viên tư vấn môi trường là dâu trăm họ.
1. Họ phải làm tốt công việc sếp giao. Mà sếp thì lúc nào cũng muốn thời gian phải nhanh; bài viết phải chuẩn và đủ ý; bám sát tình hình thực tế của nhà máy xí nghiệp; kinh tế địa phương; các số liệu lấy được phải sát thực tế; sát thời điểm hiện tại… Nhưng phải chi càng ít tiền càng tốt. Đáng nhẽ phải mua bản đồ chi tiết của khu vực A, các bản thu thập dữ liệu hướng gió, dữ liệu mưa mây của đơn vị B; thì sếp bảo lên google map mà tra, hỏi xem bạn bè có hay không,…
2. Họ phải trả lời các câu hỏi cực kỳ vô lý của chủ đầu tư. Như: tại sao lại lâu hoàn thành như vậy? Trong khi chủ đầu tư không cung cấp đủ số liệu, tài liệu cần thiết. Tại sao lại không thể làm xả thải? Trong khi hệ thống xử lý nước thải thì chủ đầu tư ki bo không chịu đầu tư hẳn hoi. Chất lượng nước ra thì nói bảo sông Tô Lịch nước đã đen; nước sau hệ thống xử lý nước thải còn đen gấp vạn lần.
Tại sao lại không thể làm được báo cáo hoàn thành các hạng mục bảo vệ môi trường? Xin thưa, hệ thống xử lý khí thải các vị chưa đầu tư vì tiếc tiền; vì vừa mới đầu tư hạng mục chữa cháy nên chưa đầu tư xử lý khí thải được. 🙁 🙁 Bla…. bla…..
3. Họ phải răm rắp nghe lời, “cấm được cãi” các chuyên viên môi trường.
* Phải làm những công việc “trái với lương tâm” của mình
Trong trường bạn luôn được dạy phải biết giữ lấy môi trường; phải làm cho môi trường tốt đẹp hơn. Rồi sự trong sáng cao quý của cái ngành bạn đang theo đuổi.. Không ai là không có mục tiêu và mơ ước. Tôi cá là bạn sẽ mơ một ngày nào đó mình được giải nobel giúp ích cho môi trường. Hoặc sẽ có một sáng kiến gì đó xuất thần để môi trường tốt đẹp hơn…
Nhưng rồi ra trường, làm tư vấn môi trường; bạn chợt nhận ra mình không khác nào một luật sư của phe phản diện. Bạn luôn bao biện cho những hành động mà trước đây bạn cho là vô ý thức, phá hoại môi trường… Bạn phải dọn mọi thứ rác rưởi chủ đầu tư vứt ra; phải thu dọn cái đống bừa bộn mà vì tiếc tiền họ không làm gọn gàng ngay từ đầu…
Rút cuộc là nhân viên tư vấn môi trường bạn phải có những kiến thức gì?
Trước tiên bản phải hiểu được bản chất của các giấy tờ như: Đánh giá tác động môi trường; quan trắc môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; đề án bảo vệ môi trường; giấy phép xả thải…
Với mỗi loại giấy tờ trên bạn phải tìm hiểu được rõ: định nghĩa từng loại, khi nào cần phải làm các loại giấy tờ đó, các bước thực hiện ra làm sao, cấp ban ngành nào phê duyệt từng loại giấy tờ đó, với quy mô nào thì làm loại giấy tờ nào…
Để nắm được những điều này; bạn phải nghiên cứu các loại luật và nghị định ban hành trong thời gian gần nhất. Như đang có Nghị định 40: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường.